Mô hình trồng măng Lục Trúc: Bước đầu cho hiệu quả khả quan

2021-11-30 19:23:00.0

 

Mô hình ứng dụng kỹ thuật trồng măng Lục Trúc được triển khai từ tháng 4/2021 tại thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ)

Với tiêu chí đặt ra: Địa điểm thực hiện mô hình có vị trí thuận lợi về đất đai, nguồn nước tưới, môi trường không ô nhiễm, gần đường giao thông, liên vùng, liền thửa để đảm bảo thuận lợi trong công tác quản lý, chỉ đạo mô hình và tiện cho việc tham quan, học tập; có nguồn nhân lực, điều kiện kinh tế đối ứng đầy đủ và tự nguyện tham gia mô hình theo yêu cầu kỹ thuật và có cam kết thực hiện đúng theo yêu cầu mô hình, không sử dụng vật tư hỗ trợ vào mục đích khác. Sau quá trình đánh giá, lựa chọn, năm 2021, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ được chọn làm điểm thực hiện mô hình với quy mô 2 ha. Theo đó, 6 hộ dân thuộc tổ 7, thị trấn Trại Cau được chọn tham gia mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức đã được hỗ trợ 70% phân bón và gần 1.100 cây măng giống; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản măng.

Mô hình được bắt đầu triển khai từ tháng 4/2021, qua theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển cho thấy: Cây măng Lục Trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của đồng đất Trại Cau, diện tích vườn bãi của các hộ tham gia mô hình được chăm sóc tốt, thường xuyên vệ sinh nên ít bị sâu bệnh hại, cây sinh trưởng tương đối thuận lợi. Đến thời điểm hiện nay, sau 8 tháng sinh trưởng và phát triển, cây đã cho thu hoạch lứa măng đầu tiên. Tuy nhiên, để nuôi dưỡng cây và tạo khóm, bà con chưa khai thác nhiều. Dự kiến, khi cây trưởng thành (đủ 2 năm tuổi), sẽ cho thu hoạch từ 30 - 40kg măng/khóm; mùa thu hoạch măng kéo dài trong khoảng 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 9 Âm lịch), với giá măng hiện tại trên thị trường bình quân 60 nghìn đồng/kg, mỗi khóm tre Lục Trúc, bà con thu từ 1,5 đến 2 triệu đồng.

Đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của măng Lục Trúc tại tổ 7 thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ)

Măng Lục Trúc có vị giòn, ngọt mát, măng có thể chế biến thành nhiều món ăn như nộm, luộc, xào hay lẩu, nước luộc măng ngọt thanh, không bị đắng, không he như loại măng khác. Trao đổi với một trong những hộ tham gia mô hình, anh Man Văn Tiến ở tổ 7, thị trấn Trại Cau cho biết: Trước khi tham gia mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình anh đã tự mua giống măng Lục Trúc về trồng thử nghiệm trên diện tích 0,5ha của gia đình. Tuy nhiên, do không có kỹ thuật chăm sóc nên cây chết nhiều, thiệt hại tiền mua giống là không nhỏ. Khi tham gia mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai, được hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật chăm sóc nên quá trình sinh trưởng và phát triển của cây măng khác hẳn. Đặc biệt là khả năng sống của cây rất cao, ban đầu gia đình được cung ứng 86 cây, sau 5 tháng trồng, chăm sóc có 82 cây sống và sinh trưởng tốt (đạt tỷ lệ 95%). Anh Tiến đánh giá, trồng măng Lục Trúc không mất nhiều công chăm sóc, nhưng phải đảm bảo đúng kỹ thuật, bón phân, tỉa cây theo đúng thời điểm thì cây sẽ sinh trưởng ổn định, cho năng xuất cao. Hiện nay, gia đình anh Tiến đã có 350 gốc măng Lục Trúc cho thu hoạch, đến vụ mỗi ngày hái được từ 30-40kg măng. Số măng được chủ yếu bán tại thị trường địa phương và một số nhà hàng. Với giá bán dao động từ 50.000-80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí và công chăm sóc, bình quân mỗi tháng anh thu lãi được hơn 18 triệu đồng.

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Trại Cau cho biết, mô hình ứng dụng kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai trồng măng Lục Trúc phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và bước đầu cho thấy hiệu quả rất khả quan. Đặc biệt với sự mạnh dạn đối ứng và đầu tư của bà con như gia đình anh Man Văn Tiến kinh đã cho thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng, phát triển măng Lục Trúc tại địa phương là rất hiệu quả. Hội Nông dân thị trấn Trại Cau mong muốn, mô hình trồng măng Lục Trúc sẽ được nhân rộng để tiến tới thành lập tổ hợp tác, qua đó giúp người dân nâng cao mức sống và làm giầu chính đáng.

Theo đánh giá của ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Qúa trình triển khai thí điểm mô hình tại Thị trấn Trại Cau, bước đầu cho thấy, măng Lục Trúc phù hợp với đồng đất Trại Cau. Với loại cây này, bà con có thể tận dụng diện tích đất vườn đồi, soi bãi, đất ven sông, suối để trồng, giúp cho người dân nâng cao thu nhập và cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Cùng với đó, việc trồng măng Lục Trúc như một phương thức đưa các vùng đất trống vào sử dụng một cách kinh tế, loại cây này có khả năng tạo sinh khối nhanh, dễ tạo nguồn giống, có khả năng chắn gió, giữ đất cao, phát huy nhanh tác dụng phòng hộ, phù hợp với người nông dân. Chính vì vậy việc phát triển mô hình ứng dụng kỹ thuật trồng măng Lục Trúc chính là một mô hình nông lâm kết hợp, tạo sinh kế cho người nông dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Thanh Tâm
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 160790

PHƯỜNG TÂN LONG - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ:Tổ 6, Phường Tân Long, Thành phố Thái Nguyên, Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Lâm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân phường Tân Long. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ